(Thị trường) – Dù đối mặt với thách thức từ sự suy giảm giao dịch toàn cầu và thay đổi hành vi tiêu dùng, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của bất động sản kho vận và ngành logistics.
Logistics thế giới và tiềm năng dài hạn
Trên toàn cầu, ngành logistics chứng kiến sự giảm nhu cầu về không gian kho bãi. Đây là hiện tượng xảy ra chủ yếu do giảm lượng đặt hàng và hoạt động giao dịch quốc tế. Sự “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng, với ưu tiên cho hàng hóa và dịch vụ cơ bản đã dẫn đến việc sản xuất và vận chuyển ít hàng hóa hơn. Kết quả là các kho hàng, nhất là ở những khu vực có vị trí đắc địa gần cảng biển như Los Angeles và Thượng Hải đối mặt với tình trạng “trống kho” gia tăng.
Việc hiểu rõ sự thay đổi trong cung và cầu là yếu tố chủ chốt để xác định triển vọng của mức giá thuê trong thời gian sắp tới. Theo báo cáo gần đây của Savills về tình hình đầu tư logistics toàn cầu, niềm tin của các nhà đầu tư dành cho thị trường logistics ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tỏ ra khá lạc quan. Trong khi vốn đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Châu Âu giảm tới 50% trong quý 2 năm 2023 so với năm trước, Châu Á – Thái Bình Dương chỉ chứng kiến sự suy giảm nhẹ 14%. Sự quan tâm đặc biệt dành cho Châu Á bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng vững chắc và nhu cầu tăng cao cho bất động sản logistics.
Cụ thể, tại Nhật Bản, lĩnh vực logistics tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư quốc tế mong muốn thâm nhập thị trường này. Ấn Độ cũng ghi nhận sự nhộn nhịp trong ngành với tỷ lệ tiêu thụ không gian logistics mới đạt 40-50% trong quý 2 năm 2023, một phần nhờ vào các chính sách khuyến khích sản xuất như chương trình PLI. Điều này khuyến khích nhà đầu tư duy trì quan điểm lạc quan và mở rộng mạng lưới phân phối tại các thành phố Ấn Độ.
Vấn đề bền vững ngày càng trở nên quan trọng trong mọi thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người thuê, nhất là ở những thị trường đã phát triển. Các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng và cam kết với các nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trở thành yêu cầu không thể thiếu cho mặt bằng logistics, góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút trong các quyết định thuê mặt bằng tương lai.
Việt Nam cần nắm bắt cơ hội
Tại Việt Nam, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu từ thương mại điện tử bán lẻ đã đạt 16,4 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng quốc gia và dự kiến sẽ tăng lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023, tương đương khoảng 8% tổng doanh thu.
Với các bước phát triển mạnh mẽ, ngành logistics ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở các thị trường lớn, đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư để cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Theo Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao tại Savills Hà Nội, thị trường logistics còn nhiều dư địa để phát triển, với nhu cầu vượt xa nguồn cung hiện tại, yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp mô hình mới và tối ưu hóa không gian kho bãi.
Ông Thomas cũng chỉ ra rằng, thương mại điện tử đang cần không gian kho bãi lớn để chứa hàng và hỗ trợ các hoạt động lấy hàng, đóng gói. Trong khi các nhà sản xuất quốc tế tìm kiếm không gian lưu trữ cho sản phẩm giá trị gia tăng cao. Hiện tại, nguồn cung kho bãi, đặc biệt ở phía Bắc Việt Nam vẫn còn hạn chế, mở ra cơ hội cho việc phát triển kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh.
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng trên thế giới nhờ môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi và việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp. Sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kho vận sẽ củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Ông Thomas Rooney kỳ vọng rằng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và nhu cầu vận chuyển nhanh chóng sẽ tạo đà cho thị trường logistics phát triển hơn nữa.
Nguồn:
https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/lac-quan-ve-bat-dong-san-kho-van-va-lan-song-logistics-657047.html