(Thị trường) – Quá trình đầu tư công nghệ cũng như phát triển hạ tầng, liên kết tạo thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn là vấn đề cần giải quyết trong khoảng thời gian tới. Để thúc đẩy lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Hà Nội cũng như cả nước thì cần có những biện pháp nào?
Thực trạng của doanh nghiệp logistic hiện nay
Trong thời gian qua, dù phải chịu tác động của đại dịch COVID 19 thế nhưng ngành Logistics Việt Nam vẫn có được những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16%/ năm.
Ngành logistic đã khẳng định được vai trò là dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế khi duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, đóng góp cho tăng trưởng sản xuất, nhập khẩu trong cả nước, với tổng kim ngạch đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD trong năm 2021.
Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại nội địa liên tục tăng trưởng thì việc phát triển ngành Logistic có vai trò vô cùng quan trọng.
Về khái niệm, có thể hiểu thuật ngữ Logistic chính là chuỗi nhiều hoạt động xoay quanh hàng hóa như: Đóng gói, bao bì, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí vận chuyển, tránh việc “đội giá” sản phẩm và tăng mức lợi nhuận thu được nếu thực thi hoạt động logistics hiệu quả.
Theo Hiệp hội DN Logistics Việt Nam thì hiện nay có đến 90% các doanh nghiệp Logistic đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. tuy nhiên lại chỉ chiếm hơn 30% thị phần, còn lại là các doanh nghiệp nước ngoài.
Thực trạng doanh nghiệp Logistic tại TP. Hà Nội
Trên địa bàn TP. Hà Nội thì dịch vụ logistic chiếm khoảng từ 10-15% GDP. Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cho quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh các dịch vụ khác nhằm đảm bảo thời gian và chất lượng.
Việc Logistic phát triển sẽ đem đến khả năng giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng của sản phẩm dịch vụ.
Hiện nay, TP. Hà Nội ước tính có khoảng 25.000 DN đăng ký hoạt động logistics, trong số đó doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 80% song chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường.
Về quy mô doanh nghiệp logistics
Các doanh nghiệp logistic trên địa bàn TP. Hà Nội có quy mô khá hạn chế, dao động trong khoảng từ 10-30 nhân viên là chủ yếu, trong số đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 80%, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài có số lượng người lao động tương đối lớn từ 100-300 nhân viên.
Điểm hạn chế của doanh nghiệp logistic trên địa bàn TP. Hà Nội chính là doanh nghiệp nhỏ là chủ yếu, quy mô còn hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Chưa có sự liên kết trong các khâu trong chuỗi cung ứng Logistic và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistic với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Về mức độ đáp ứng nhu cầu của thị trường
Các doanh nghiệp logistic không có một nhà cung cấp dịch vụ logistic nào cung cấp được dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên lãnh thổ Việt Nam cũng như trên thị trường quốc tế với mức chi phí cạnh tranh.
Hiện nay, doanh nghiệp logistic đều phải qua các nhà cung cấp của từng chặng, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh đơn giản điển hình như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện giao thông vận tải cho các công ty logistic có vốn đầu tư nước ngoài.
Về ứng dụng công nghệ
Với bối cảnh xã hội đang chìm đắm trong nền công nghệ 4.0 vô cùng hiện đại hiện nay thì hầu hết doanh nghiệp đều phải linh hoạt đầu tư tìm hiểu về thị hiếu đối tượng khách hàng, tăng cường khâu phục vụ việc chăm sóc, hậu mãi… và xây dựng hành trình mua sắm, giao nhận phù hợp. Ứng dụng công nghệ logistics vào từng mắt xích trong quy trình quản lý, vận hành… sẽ hỗ trợ đơn vị vận chuyển giải quyết được những nỗi lo lớn cho người bán lẫn người mua trên hành trình mua bán.
Source: https://tapchitaichinh.vn/thuc-day-doanh-nghiep-logistic-phat-trien-tren-dia-ban-tp-ha-noi.html